Vì sao nhà đầu tư ngoại tiếp tục "săn" bất động sản Việt Nam?

Vì sao nhà đầu tư ngoại tiếp tục 'săn' bất động sản Việt Nam?

Nếu so sánh với các TP lớn ở thị trường châu Á như Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Úc…Việt Nam đang được các NĐT đánh giá cao sức hút về yếu tố hấp dẫn hiệu suất đầu tư.


Mới đây, đại diện Savills Việt Nam đã chỉ ra, thị trường BĐS chứng kiến khá nhiều các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án từ chính các nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong lĩnh vực BĐS. Nhóm các nhà đầu tư ngoại tích cực nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore và một số nước châu Âu đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư BĐS tại Việt Nam.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam chỉ ra 3 lý do khiến khối ngoại tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư BĐS Việt Nam ở thời điểm này.

Thứ nhất, thị trường BĐS ở các quốc gia nói trên đã rất phát triển, nhà đầu tư rất khó tìm kiếm cơ hội làm ăn.

Thứ hai, Việt Nam được xem là thị trường mới nổi, so với các nước rõ ràng có nhiều lợi thế thu hút đầu tư BĐS. Đó là quy mô dân ở Việt Nam xấp xỉ 100 triệu dân, với độ tuổi từ 25-40 tuổi chiếm tỷ lệ 55%, nhu cầu nhà ở và sức mua sắm rất lớn; tốc độ tăng trưởng GDP ổn định 6,5-6,8% trong nhiều năm qua. Vì thế, nhà đầu tư khá yên tâm khi tìm đến đầu tư ở Việt Nam vì sự ổn định chính trị; giá nhà đất ở một số địa phương còn mềm, trong khi quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, hạ tầng giao thông phát triển.

Thứ ba, ở thị trường BĐS Việt Nam, hiệu quả khai thác và dòng tiền đối với những tài sản đã đưa vào hoạt động như khách sạn, TTTM, văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ...rất ổn định. Những tài sản này mang thương hiệu nước ngoài nhưng đa phần chủ sở hữu là của nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư ngoại thường tham gia ở khâu dịch vụ quản lý, vận hành, rất khó để mua lại. 

Do đó, trong thời điểm khó khăn này là thời điểm mở ra cơ hội cho nhóm đầu tư ngoại có tiềm lực tài chính mạnh tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đối với phân khúc nhà ở, có thể thấy trong những năm 2008-2011 - thời điểm thị trường BĐS khủng hoảng, các nhà đầu tư ngoại tham gia đầu tư rất nhiều. Và nay cũng vậy, khi các chủ dự án mất khả năng tài chính, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng và huy động vốn từ người mua, các nhà đầu tư ngoại với lợi thế tài chính mạnh và kinh nghiệm quản trị sẽ dễ dàng bắt tay hợp tác hoặc mua lại dự án.

Trước đó, ông Raymond Clement, Giám đốc điều hành Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương nhấn mạnh, NĐT không vì dịch bệnh mà bỏ qua sự hấp dẫn của thị trường BĐS Việt Nam. Chính trong khó khăn thì lại là cơ hội cho các NĐT có tầm nhìn dài hạn khi ngay ở thời điểm này có thể mua được giá hợp lý. 


Theo vị chuyên gia này, trong quý 1/2020 hoạt động của thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ sụt giảm nhưng thị trường sẽ phục hồi lại vào quý 3 và quý 4/2020. Theo vị chuyên gia này, NĐT sẽ không vì dịch mà bớt quan tâm đến BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam. Mức độ quan tâm của họ vẫn giữ nguyên bởi đây là thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho NĐT trong dài hạn.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam, theo Savills trong những năm qua và thời gian tới sẽ còn nhiều tiềm năng để phát triển. Phân khúc này đang thu hút các NĐT trong và ngoài nước bởi cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư nói chung đang được cải thiện tốt. Các NĐT họ thấy được sự nỗ lực trong việc cải thiện này và nhìn thấy được tiềm năng cũng như cơ hội để tiếp cận thị trường trong dài hạn.

Theo ông Raymond Clement, năm 2020 những NĐT quan tâm nhiều đến yếu tố lợi nhuận đầu tư, hiệu quả đầu tư. Còn những rủi ro họ đã lường được trước, đã có sự tính toán trước đó. Nếu so sánh với các TP lớn ở thị trường châu Á như Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Úc…Việt Nam đang được các NĐT đánh giá cao sức hút về yếu tố hấp dẫn hiệu suất đầu tư.

Rõ ràng, khi thị trường có những biến động hoặc khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu thì đây vừa là thử thách, vừa là cơ hội cho các NĐT đối với thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Người nào có thể vượt qua được các thử thách khó khăn chắc chắn sẽ có biên lợi nhuận cao trong đầu tư. Theo đại diện Saviills, thông thường những NĐT không muốn chịu nhiều rủi ro sẽ đầu tư vào phân khúc BĐS an toàn. Ngược lại, các NĐT muốn có lợi nhuận cao thì họ bắt buộc họ phải đi vào phân khúc có độ rủi ro cao.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây